Sinh hoạt chuyên môn cụm huyện, môi trường bồi dưỡng giáo viên hiệu quả
Năm học 2022 - 2023 là năm học thứ ba ngành Giáo dục & Đào tạo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018). Để thực hiện được mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì đòi hỏi mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo đều phải nỗ lực tự học hỏi, tự trau dồi trong đó công tác tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các đơn vị nhà trường là một trong các công việc hết sức cần thiết, quan trọng để giúp đội ngũ giáo viên có năng lực thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Là một giáo viên tham gia thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2020-2021, tôi đã tham dự khá nhiều những buổi sinh hoạt chuyên môn liên quan đến thực hiện chương trình GDPT 2018. Mỗi buổi sinh hoạt đều để lại cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau. Buổi sinh hoạt chuyên môn chiều ngày 9/11/2022 tại trường tiểu học thị trấn Tân An với nội dung: “Kinh nghiệm tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kinh nghiệm xây dựng kế hoach dạy học các môn học và hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD&ĐT, các đồng chí cán bộ quản lý và giáo viên dạy tiểu học trong toàn huyện đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt.
Buổi sinh hoạt chuyên môn diễn ra trong bầu không khí nhẹ nhàng, cởi mở, thân thiện. Đại diện Ban giám hiệu, đồng chí Trần Thị Hương Vân chia sẻ về kinh nghiệm nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường trong 3 năm qua, Bằng những minh chứng cụ thể, rõ ràng mà trường tiểu học thị trấn Tân An đã tổ chức thực hiện, nó giúp mỗi nhà quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo một lần nữa hiểu sâu và tường minh hơn về chương trình mới; những khó khăn và giải pháp khắc phục khi tổ chức thực hiện chương trình cũng như khi xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường.
Các đại biểu tham dự SHCM tại điểm cầu chính, Trường tiểu học thị trấn Tân An
Sinh thời, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói “Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo". Gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, những người làm nghề dạy học luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo để “truyền lửa”, thu hút học sinh với những bài giảng sống động và đầy thuyết phục của mình.
Phần trao đổi, chia sẻ của các đồng chí đại diện cho các khối chuyên môn của nhà trường về việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học & hoạt động giáo dục với các lớp 1, 2, 3 là minh chứng cho sự tận tâm với nghề, sáng tạo trong dạy học.
Theo quan điểm xây dựng chương trình GDPT 2018: Chương trình là pháp lệnh, các bộ sách giáo khoa, nguồn học liệu, phương tiện dạy học,… là công cụ hỗ trợ thực hiện chương trình đã tạo ra cơ hội lớn cho các thầy cô giáo, thể hiện thêm tính chủ động trong triển khai phương pháp dạy học.
Đại diện cho các thầy cô giáo khối 2, đồng chí Nguyễn Thị Hằng đã nêu bật được các vấn đề trọng tâm cùng những hình ảnh minh họa chi tiết, cụ thể, sinh động giúp chúng tôi hiểu rõ về quy trình cũng như những căn cứ để xây dựng “Kế hoạch dạy học các môn học & hoạt động giáo dục khối lớp 2”. Ở đó, các đồng chí đã nghiên cứu kĩ nội dung chương trình, yêu cầu cần đạt từng môn học của khối 2, nghiên cứu nội dung sách giáo khoa để xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học & hoạt động giáo dục chi tiết, cụ thể có điều chỉnh, bổ sung, thể hiện rõ việc lồng ghép giáo dục an ninh quốc phòng, tích hợp nội dung trong tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh Bắc Giang,..
Một số hình ảnh được giới thiệu tại buổi SHCM mang tính chất tham khảo
Không dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục trong khung chương trình, các đồng chí đã chia sẻ việc áp dụng kế hoạch vào thức tiễn bằng “Kịch bản” của mỗi giờ lên lớp. Khi xây dựng kế hoạch bài dạy, các đồng chí đã dựa vào yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất, cấu trúc bài học sách giáo khoa để lồng ghép tích hợp nội môn, liên môn; điều chỉnh, bổ sung ở mỗi bài, mỗi hoạt động để phù hợp với thời gian thực tế cũng như phù hợp nhà trường, địa phương. Bên cạnh việc dạy tích hợp các đồng chí cũng thể hiện rõ dạy theo cách phân hóa đối tượng học sinh khi điều chỉnh yêu cầu bài tập môn Toán, khắc sâu kiến thức cho học sinh về tên gọi khác của các kiểu câu ở môn Tiếng Việt 2 - Bộ sách Cánh diều và bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Trong qua trình giảng dạy, Giáo viên của trường đã chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục gắn hoạt động học tập với thực tế địa phương; linh hoạt thay thế một số hình ảnh trong sách giáo khoa bằng những hình ảnh thực tế của nhà trường, phụ huynh, học sinh,…để các em cảm thấy bài học thật gần gũi thân quen. Đó cũng được xem là nghệ thuật của người thầy khi tạo hứng thú cho học sinh bằng cách đưa cuộc sống vào bài học, Kết nối tri thức với cuộc sống.
Cùng với việc thiết kế Kế hoạch hoạch dạy học các môn học, các đồng chí đã quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh bằng cách nghiên cứu kỹ nội dung các bài học trong sách giao khoa, tích hợp 3 tiết (Hoạt động chủ đề môn Hoạt động trải nghiệm) thành buổi hoạt động trải nghiệm khối 2 với chủ đề “Vui đón Tết”; tổ chức hoạt động trải nghiệm theo lớp; Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào dạy học; Phối hợp với phụ huynh cùng tham gia vào các hoạt động giáo dục .
Trang vở hồng cùng những đoạn video ngắn của học sinh mà đồng chí chia sẻ phần nào giúp chúng tôi thấy được thành công bước đầu khi áp dụng kế hoạch bài học vào thực tiễn; nhận thấy được sự sáng tạo, tâm huyết của những người thầy đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển năng lực, phẩm chất của mỗi học trò.
Từng vấn đề, từng nội dung được đề cập, chia sẻ đều là bài học quý cho chúng tôi. Tôi thực sự tâm đắc với lời chia sẻ “Kế hoạch dạy học các môn học & hoạt động giáo dục là sản phẩm trí tuệ của tập thể. Xây dựng Kế hoạch đã khó, nhưng thực hiện kế hoạch áp dụng vào thực tiễn giảng dạy còn khó hơn”. Sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 thể hiện “tính mở" cao, tạo nhiều điều kiện cho giáo viên sáng tạo va cũng đòi hỏi mỗi thầy cô không ngừng đổi mới, nâng cao tay nghề để đạt mục tiêu chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Nếu như ở phần trước, đại diện khối 2 chia sẻ một cách tổng thể, toàn diện các khía cạnh của việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục, từ Quy trình đến các sản phẩm thì ở khối lớp 1, Đồng chí Phạm Thị Hà, tổ trưởng đã đưa ra được chia sẻ phù hợp với từng lớp, từng đối tượng cá nhân học sinh giúp học sinh đạt được yêu cầu cần đạt của môn học bằng việc chủ động thay đổi thời lượng bài học, sách giáo khoa, thay đổi hoạt động trong cuốn sách giáo khoa này bằng hoạt động trong cuốn sách giáo khoa khác cho phù hợp với thực tế học sinh, nhà trường. Điểm nhấn trong bài chia sẻ của đại diện khối 1 đã giúp cho các thầy cô hiểu rõ: Đừng “lạm dụng” việc điều chỉnh để rồi dạy vượt quá yêu cầu cần đạt của từng môn học, từng khối lớp.
Thời gian tiếp cận với nội dung chương trình các môn học và hoạt động giáo dục của giáo viên lớp 3 mới được hơn hai tháng. Qua ý kiến chia sẻ của đồng chí Dương Thị Luật đại diện cho khối 3, tôi thực sự tâm đắc về sự mạnh dạn, tự tin, sáng tạo trong việc đổi mới cách xây dựng, thiết kế các môn học để phân hóa được các đối tượng học sinh. Việc vận dụng dạy tích hợp, dạy lồng ghép nội dung 05 chủ đề trong cuốn tài liệu Giáo dục địa phương lớp 3 tỉnh Bắc Giang thật chi tiết, cụ thể đến từng bài học, từng hoạt động giáo dục.
Nội dung tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 được dạy tích hợp, lồng ghép vào các bài hoc, các hoạt động giáo dục khi xây dựng kế hoạch.
Điều làm không khí sôi nổi và ý nghĩa sâu sắc của buổi sinh hoạt chuyên môn hôm đó chính là những ý kiến ghi nhận, chia sẻ, những lời cảm ơn, bài học kinh nghiệm chân thành và cởi mở, tích cực, tôn trọng và chủ động của các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo đến từ các điểm cầu khác nhau trên toàn huyện dành cho Trường Tiểu học thị trấn Tân An. Đồng thời, các thầy cô đã mạnh dạn trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện chương trình GDPT 2018
Các điểm cầu chia sẻ ý kiến
Kết thúc phần chia sẻ, đồng chí Nguyễn Viết Hồng- chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao và ghi nhận sự thành công của buổi sinh hoạt chuyên môn, đồng thời trả lời những băn khoăn, trăn trở của thầy cô các trường trong toàn huyện khi thực hiện chương trình mới. Đồng chí cũng đã nhấn mạnh những lưu ý khi xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục, giúp các em học sinh phát triển các năng lực và phẩm chất đáp ứng được mục tiêu chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 mỗi người giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên trao quyền chủ động học cho học sinh, giáo viên chỉ là người hỗ trợ khi các em cần đến sự trợ giúp. Giáo viên cần linh hoạt, biết khéo léo lồng ghép, tích hợp, điều chỉnh, bổ sung ở mỗi bài học, mỗi hoạt động giáo dục. Điều đặc biệt là các đồng chí cần linh hoạt để xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của trường mình
Buổi sinh hoạt chuyên môn khép lại mà dư âm của nó còn đọng mãi trong tôi, nó giúp tôi và các bạn đồng nghiệp hiểu sâu sắc hơn về Chương trình GDP 2018. Kỹ năng xây dựng kế hoạch các môn học & hoạt động giáo dục, cùng kỹ năng thiết kế, tiến hành bài học của các đồng chí chia sẻ là sự học hỏi lẫn nhau, cùng nâng cao năng lực chuyên môn, tạo ra các tư liệu chuyên môn quý báu, đúc rút từ thực tiễn. Những ý kiến chia sẻ của các đồng chí trường tiểu học thị trấn Tân An khằng định uy tín chuyên môn của cán bộ giáo viên trong nhà trường, thực sự là những bài học quý, góp phần truyền cảm hứng đam mê, tâm huyết chuyên môn cho đồng nghiệp. Tôi thầm cảm ơn các đồng chí trong ban giám hiệu nhà trường đã có sự chỉ đạo các tổ xây dựng kịch bản, thu thập minh chứng để buổi sinh hoạt chuyên môn thực sự có ý nghĩa với tất cả mọi người đã từng tham dự.
Lê Thị Bình- Giáo viên trường tiểu học thị trấn Tân An